-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Nhà cổ Ba Đức nằm trên khuôn viên rộng hơn 2ha, là một trong những ngôi nhà lâu đời nhất tại làng cổ Đông Hòa Hiệp hiện do ông Phan Văn Đức trông nom, quản lý. Đây là một trong 36 nhà cổ có tuổi đời 80 đến hơn 200 năm ở làng Đông Hòa Hiệp còn lưu giữ được qua bao thăng trầm lịch sử, nên chứa đựng nhiều giá trị truyền thống.
Nhà cổ Ba Đức được xây dựng năm 1850 và được trùng tu vào năm 1938. Ngôi nhà được chia thành 2 phần: nhà trên và nhà dưới cách nhau khoảng sân gọi là thiên tĩnh (giếng trời) đóng vai trò cung cấp ánh sáng, làm ấm cho toàn bộ không gian. Từ bên ngoài, ngôi nhà mang hơi hướng kiến trúc phương Tây với cột trụ tròn, mái vòm cong và điêu khắc hoa văn tinh xảo. Thế nhưng, bên trong thiết kế dựa trên phong cách kiến trúc dân gian Nam Bộ bằng vật liệu chính là gỗ.
Bốn cột gỗ giữa nhà khắc câu đối chữ Nho “Tích Đức Thắng Duy Kim, Xử Thế Đương Tôn Tư Mã Huấn - Duy Thiện Dỉ Duy Bảo, Trì Thân Nghi Tĩnh Sở Thơ Ngôn”, ngụ ý nhắc nhở con cháu giữ đạo đức đáng giá hơn giữ vàng, làm điều thiện quý hơn giữ báu vật. Xung quanh tường trang trí bằng 9 bức vẽ kiểu châu Âu, tái hiện 9 nhánh sông Mekong, dòng sông gắn liền với đời sống người dân miền Tây Nam Bộ.
Ngoài những cổ vật giá trị, điều du khách thích nhất khi đặt chân tới nơi này là lắng nghe về lịch sử, văn hoá Nam Bộ cùng lối sống truyền thống do các thành viên gia đình kể lại. Đồng thời, nhằm lan toả nền ẩm thực dân dã, Nhà cổ Ba Đức còn phục vụ nhiều món ăn đậm chất Nam Bộ gồm canh chua, cá kho tộ, cá tai tượng chiên xù và các món bánh dân gian được làm theo kiểu truyền thống của gia đình như Bánh Phồng Tôm Nhà Cổ.
Khó để tưởng tượng rằng một món ngon như Bánh Phồng Tôm Nhà Cổ đã có nguồn gốc hình thành từ một sự tình cờ và sáng tạo của gia đình Nhà Cổ cách đây hơn 2 thế kỷ. Vào một thời điểm khi khoai mì là chủ đạo trong đồn điền của gia đình, ông bà đã nhận ra sự lãng phí và ảnh hưởng đến môi trường của việc đốt bỏ cây khoai mì sau khi thu hoạch củ. Bằng sự nhạy bén và sáng tạo, gia đình đã tạo nên một giải pháp rất tuyệt vời.
Thay vì đốt bỏ cây khoai mì, cách mà người dân thường xuyên áp dụng khi xưa trong quá trình làm nông nghiệp. Gia đình Nhà Cổ quyết định bó các cây khoai mì lại thành từng bó và chất thành từng cụm ở con sông trước nhà. Với niềm tin những bó cây này sẽ tạo ra một môi trường thuận lợi cho tôm, cá và các loài thủy sản khác đến sinh sống bởi cây khoai mì cũng là nguồn cung cấp thức ăn tự nhiên cho các loài này.
Đúng như dự đoán! Điều kỳ diệu đã xảy ra khi cây khoai mì thu hút rất nhiều loài thủy sản đến đây. Không chỉ có tôm và cá, cua, ốc..v.v. Mỗi loại thủy sản như cá trê, tép, tép thợ rèn, cua và đặc biệt là rất nhiều Tôm Càng Xanh... đã tạo nên một hệ sinh thái độc đáo ngay tại khu vực chất chà trên sông này.
Chất lượng thịt của các loại hải sản khai thác tại đây cũng rất ngon, hơn hẳn những nơi khác mặc dù trên cùng một dòng sông.
Từ đó Nhà Cổ đã phát hiện ra một cơ hội mới và quyết định khai thác thị trường với nguồn lợi tự nhiên mà mình đã tạo ra. Gia đình bắt đầu khai thác tôm và cá từ sông bằng cách tạo thêm nhiều khu vực chất chà hơn với lợi thế sử dụng nguồn cây khoai mì có sẵn.
Nguồn hải sản sau thu hoạch được tiêu thụ tại địa phương và các vùng lân cận. Tuy nhiên do điều kiện giao thông không thuận lợi nên số lượng tiêu thụ lượng hải sản tươi sống còn hạn chế, số tiêu thụ không hết thì phơi nắng làm khô.
Tình cờ với món khoai lang chiên với tôm càng xanh luộc gia đình đã sáng tạo nên một món ngon độc đáo hết sức ý nghĩa và đã giúp cho việc gia tăng giá trị cho nguồn Tôm Càng Xanh khai thác được kết hợp với củ khoai mì thu hoạch từ đồn điền của gia đình tạo nên sự chủ động về nguồn nguyên liệu. Sản phẩm Bánh Phồng Tôm được hình thành như thế đó !
Ban đầu, bánh phồng tôm chỉ được người dân địa phương biết đến, nhưng với thời gian, nó đã lan rộng ra các vùng lân cận và trở thành một món ăn truyền thống nổi tiếng của Cái Bè, Tiền Giang. Với hương vị độc đáo và chất lượng tuyệt vời, bánh phồng tôm của gia đình đến nay đã lan tỏa khắp nơi với tên gọi Bánh Phồng Tôm Nhà Cổ. Trên mỗi hộp bánh có in hình ảnh ngôi nhà cổ và logo mô tả khung cảnh nhộn nhịp vùng Cái Bè xưa.
Câu chuyện về Bánh Phồng Tôm Nhà Cổ đã truyền cảm hứng cho nhiều người về việc tận dụng nguồn tài nguyên một cách bền vững và sáng tạo, đồng thời tạo ra một món ngon độc đáo mang đậm chất địa phương góp phần tô điểm thêm cho nét đặc sắc về vùng đất sông nước phù sa của vùng Cái Bè tỉnh Tiền Giang.
Từ giá trị lịch sử, văn hoá được gìn giữ, lưu truyền, UBND tỉnh Tiền Giang công nhận Điểm du lịch Nhà cổ Ba Đức và sản phẩm Bánh Phồng Tôm Nhà Cổ, đạt chuẩn OCOP 4 Sao vào năm 2021. Chứng nhận này góp phần thúc đẩy du lịch địa phương, thu hút du khách trong và ngoài nước.